Tiếp sức giúp logistics vượt qua những điểm yếu “cốt tử”

Ngành logistics được ví như “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại phục hồi, tăng trưởng trở lại…

Tại phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết theo nghiên cứu năm 2021 của Bộ Công Thương, chỉ số năng lực hoạt động của ngành logistics tăng và đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm của năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong Top 10 của Chỉ số logistics của thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14% – 16% trong một năm.

Vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém

Đánh giá tổng quan về ngành logistics thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành, địa phương,  đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, duy trì mức tăng trưởng 2 con số, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nâng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 vượt mốc 660 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém nổi lên của ngành logistics, đặc biệt là trong năm 2021 dưới tác động của đại dịch Covid-19. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ logistics chưa đầy đủ, đồng bộ.

Cơ sở hạ tầng phục vụ logistics tuy đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp nhưng còn thiếu tính kết nối và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp logistics có quy mô nhỏ cả về lao động, tài chính, kinh nghiệm hoạt động, chưa vươn ra được thị trường logistics quốc tế. Việc chuyển đổi số trong các khâu của logistics còn hạn chế. Việc đào tạo chuyên sâu về logistics tại các cơ sở đào tạo chưa được quan tâm đúng mức.

Phân tích thêm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, dịch Covid-19 trong hai năm qua đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội, các quy định về giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và vận chuyển ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận tải biển tăng cao, trực tiếp khiến logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những điểm yếu cố hữu của ngành logistics Việt Nam đã bộc lộ rõ hơn như chi phí logistics vẫn ở mức cao, chiếm khoảng hơn 20% tổng GDP quốc gia, cao hơn nhiều so với chi phí logistics trung bình trên thế giới đang dao động ở mức 11% – 12% GDP.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics – doanh nghiệp sản xuất – doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu và chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam với quy mô lớn, có khả năng và năng lực dẫn dắt thị trường để thúc đẩy ngành phát triển.

Hơn nữa, chuyển đổi số trong ngành logistics còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nguồn nhân lực của ngành còn yếu và thiếu, mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của thị trường và chưa theo kịp được sự phát triển của logistics trên thế giới. Sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ, cũng như trạng thái tâm lý của nhân lực logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận việc dịch chuyển lao động giữa các nước ASEAN cũng như tham gia vào các FTA thế hệ mới chưa cao.

“Trong bối cảnh này đặt ra yêu cầu ngành logistics phải có giải pháp để duy trì sự chống chịu bền bỉ, đảm bảo vai trò của logistics trong duy trì các chuỗi cung ứng hàng hoá dịch vụ, vừa phải có tư duy tầm nhìn và giải pháp đặc biệt, định hình hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, tạo bước đột phát cho phục hồi kinh tế – xã hội trong những năm 2022 – 2023, cho cả giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Ngành logistics bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế.

Chuyển đổi số để tăng sức mạnh cạnh tranh

Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2021, hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao nhờ tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, cải tiến quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp logistics cung cấp dịch vụ cho thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Một số doanh nghiệp logistics cũng đã tham gia chương trình Hộ chiếu logistics thế giới (WLP) và nâng cao chất lượng cải thiện mối quan hệ với khách hàng quốc tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài. Chưa kể, doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 95%), nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao.

Vì vậy doanh thu của các doanh nghiệp logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần logistics cao hơn. Để hỗ trợ doanh nghiệp logistics vượt khó khăn, nắm bắt cơ hội chuyển đổi, phục hồi chuỗi cung ứng, phát triển bền vững ngành logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã có một số kiến nghị.

Thứ nhất, tăng cường gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và tiếp tục giảm thuế, chi phí cho các doanh nghiệp logistics. Không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng logisitcs. Hệ thống hạ tầng logistics hiện nay chưa đồng bộ và hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu dịch vụ logistics, nhất là vận tải đa phương thức.

Thứ ba, sớm tiến hành điều chỉnh bổ sung Luật Thương mại 2005 để có các quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay của hoạt động logistics.

Thứ tư, đề nghị Ủy ban 1899 cần hoạt động tích cực và có hiệu quả trong việc quản lý và phát triển dịch vụ logistics theo chức năng của Ủy ban.

Thứ năm, Chính phủ có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics, phát triển một số doanh nghiệp logistics mạnh phát triển logistics tích hợp 4PL-5PL, logistics phục vụ thương mại điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics trong thị trường nội địa và trên thị trường quốc tế.

Nhận định xu hướng số hóa và thương mại điện tử là xu hướng bắt buộc hiện nay, bà Bùi Thị Lê Hằng, Phó Tổng giám đốc ALS nhận định, theo thống kê, 80% doanh nghiệp logistics hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và chỉ có 20% là doanh nghiệp logistics lớn.

Có hai yếu tố tác động chính đến việc số hóa của doanh nghiệp, trước hết là xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Khách hàng hiện nay đã đẩy mạnh số hóa để tiến gần hơn đến người tiêu dùng, theo đó chuỗi cung ứng cần nhanh hơn, linh hoạt hơn. Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu của nhà chức trách.

“Chính phủ Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế số. Chính vì vậy, nếu không số hóa, có khả năng chúng ta sẽ bị lùi lại phía sau. Do đó, doanh nghiệp phải có những bước đi chiến lược cho việc số hóa của mình”, bà Hằng lưu ý.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng gia tăng việc thanh toán trên nền tảng số. Việc Việt Nam hội nhập thị trường toàn cầu và khu vực, tham gia các FTA đã tăng thêm động lực để xây dựng và phát triển ngành logistics. Bên cạnh đó, dòng chảy thương mại cao cũng sẽ làm tăng nhu cầu và giúp dịch vụ logistics cạnh tranh tích cực hơn.

Theo Vneconomy.vn