Tết Trung Thu đã thay đổi như thế nào qua thời gian?

Trăng Rằm Tháng Tám vẫn là trăng đẹp nhất, ngày lễ Trung Thu vẫn là dịp đoàn viên gia đình hạnh phúc nhất trong tâm trí của biết bao người con đất Việt. Trải qua năm tháng, Trung Thu ngày nay có nhiều thứ đã khác xưa, nhưng cũng chẳng thiếu những nét đẹp truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mãi trường tồn cùng thời gian. Hãy cùng Nhất Tín trở về quá khứ để tìm hiểu Tết Trung Thu của chúng ta đã thay đổi như thế nào qua thời gian…

Ý nghĩa đoàn viên trong ngày Trung Thu

Tết Trung Thu có nguồn gốc xa xưa từ thời văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt, đồng thời còn được biết đến với một tên gọi khác: Tết Đoàn viên. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau đón cỗ trăng rằm, cùng nhau thưởng thức những miếng bánh Trung Thu ngọt bùi chứa đựng tình thân gắn kết.

Trẻ em vui tết trung thu

Không có nhiều những phút giây ấm áp mà thiêng liêng ấy trong cuộc sống bộn bề của hiện tại, chính vì thế vào mỗi dịp Tết Trung Thu đến, mỗi người càng thêm trân trọng từng giây phút được sum vầy tụ họp gia đình. Trung Thu, còn là dịp ông bà, cha mẹ thể hiện tình yêu và quan tâm tới các con, các cháu. Đồng thời phận con cháu, cũng dành sự biết ơn thành kính nhất tới ông bà, cha mẹ, tổ tiên của mình.

Từ xưa đến nay, ý nghĩa đoàn viên trong ngày Trung Thu vẫn luôn được trân trọng và bảo tồn, là giá trị tinh thần thấm đượm bản sắc dân tộc Việt qua năm tháng.

Hoạt động vui chơi trong dịp Trung Thu

Theo truyền thống, trong đêm hội Trung Thu người dân sẽ tổ chức múa lân, múa sư tử đi khắp làng xóm. Trẻ em nô nức nối đuôi nhau theo đoàn múa, tiếng cười nói rộn rã vang vọng hòa quyện trong tiếng trống, tiếng nhạc tưng bừng.

Trung Thu xưa, trẻ em được phá cỗ trông trăng ở gia đình, khu xóm; được tham gia vào các trò chơi dân gian đầy thú vị như rồng rắn, hát đồng dao, bịt mắt đánh trống. Có những nơi còn tổ chức rước đèn lồng, đèn xếp, thả đèn hoa đăng…

Ngày nay, một số vùng quê Việt Nam vẫn giữ được một số hoạt động vui chơi được tổ chức vào mỗi dịp Trung Thu cho các em nhỏ như: thi văn nghệ, thi cắm trại theo đơn vị xóm, làng; đêm rằm tháng Tám được phá cỗ Trung Thu và chơi các trò chơi dân gian.

Tuy nhiên, tại các khu vực đô thị, những hoạt động vui chơi trên thường khó tổ chức theo quy mô lớn. Trẻ em thành thị đón Trung Thu bằng cách cùng bố mẹ tới những địa điểm tổ chức Trung Thu tại các trung tâm thương mại; ngắm phố phường và xem các chương trình văn nghệ, Vì thế, Tết Trung Thu của trẻ em thành phố ngày nay không còn mang nhiều hương vị đặc trưng so với trước đây.

Mâm cỗ Trung Thu

Mâm cỗ bánh trung thu

Truyền thống trong ngày Tết Trung Thu ở Việt Nam, mâm cỗ cúng rằm tháng Tám thường có 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành trong Trời Đất, trong đó phổ biến nhất với các loại quả: bưởi, hồng, ổi, chuối. Cùng với bánh nướng và bánh dẻo là 2 loại bánh đặc trưng của Tết Trung Thu. Bánh dẻo có hình tròn tượng trưng cho hình dáng vầng trăng thu tròn rằm tháng 8, màu trắng mịn của bánh biểu tượng cho ý nghĩa “đoàn viên gia đình”, vị ngọt của bánh biểu trưng cho hạnh phúc ngọt ngào trọn vẹn. Bánh nướng có lớp vỏ bánh cứng hơn, vị mặn ngọt và cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho hương vị của cuộc sống: dù biết bao gian nan vất vả nhưng mọi người vẫn sát cánh bên nhau, cùng yêu thương và sẻ chia ngọt bùi.

Ngày nay cuộc sống hiện đại và đủ đầy hơn, chính vì thế mâm cỗ Trung Thu cũng được “chăm chút” và “sung túc” với đa dạng các loại bánh kẹo, hoa quả nội địa, nhập khẩu khác nhau. Mâm cỗ cũng vì thế trông lung linh và bắt mắt hơn. Bánh Trung Thu cũng đa dạng với các hình dáng đẹp mắt, hương vị phá cách hơn.

Tặng quà Trung Thu

Trung Thu ngày xưa giản đơn nhưng không kém phần ấm áp, ngọt ngào với những món quà nhỏ bé mọi người trao cho nhau. Có khi chỉ là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, có khi là những trái quả trong mâm cúng rằm, hay những lá thư gấp vội được gửi từ phương xa.

Ngày nay, xã hội phát triển hiện đại hơn, cũng tạo nhiều điều kiện để mọi người có thể gắn kết với nhau, trao tặng những món quà Trung Thu cho nhau một cách dễ dàng. Với những người con xa quê, những hộp bánh Trung Thu làm quà gửi về nhà chính là tâm tình, là gửi gắm thương nhớ và mong mỏi đoàn tụ cùng gia đình sum vầy hạnh phúc. Thấu hiểu ý nghĩa của những hộp quà bánh Trung Thu, những dịch vụ vận chuyển bánh Trung Thu, giao bánh Trung Thu tại nhà không còn quá xa lạ với người sử dụng. Có thể kể đến dịch vụ giao bánh Trung Thu tại nhà của Nhất Tín – xóa tan khoảng cách địa lý, giúp kết nối mọi người, trao gửi và nhận lại yêu thương.

Dịp Tết Trung Thu ít nhiều đã có những thay đổi theo thời gian, tuy nhiên tại mỗi thời điểm, ta đều có thể cảm nhận được không khí háo hức, náo nhiệt và mong chờ khắp mọi nẻo đường. Tết Trung Thu vẫn là dịp lễ thiêng liêng trong lòng mỗi người, là Tết đoàn viên hạnh phúc và là dịp cùng nhau trao gửi những lời tri ân, gắn kết yêu thương.