Phân hóa lợi nhuận ngành hàng không: Vận tải hành khách “ngập” trong lỗ, logistic lãi lớn

Máy bay “đắp chiếu”, hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ, doanh nghiệp vận tải hàng không và các ngành phụ trợ hàng không liên tiếp thông báo lỗ…Trái lại, các công ty logistics hàng không vẫn sống khỏe giữa khủng hoảng.

Hàng không “gục ngã” trong “bão” Covid

Áp lực từ dịch Covid-19 lên nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vận tải càng trở nên trầm trọng khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.  

Theo Cục Hàng không Việt Nam, nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 đã khiến cho sản lượng khai thác của các hãng hàng không sụt giảm mạnh. Cụ thể, sau 9 tháng đầu năm 2021, các hãng hàng không Việt Nam chỉ thực hiện được 105,384 chuyến bay, tương ứng với mức giảm 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động hàng không bắt đầu sụt giảm từ cuối tháng 5/2021, song đỉnh điểm là các tháng 8/2021 và tháng 9/2021. Cụ thể, ghi nhận trong tháng 9/2021, các hãng hàng không Việt Nam chỉ vận chuyển được 18,000 khách, giảm 99% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó quốc tế đạt 6,000 khách, giảm 64%; nội địa đạt 12,000 khách, giảm 99%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển được 13,3 triệu khách, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó quốc tế là 103,000 khách, giảm 96%; nội địa là 13,2 triệu khách, giảm 35%.

Cho đến thời điểm hiện tại các hãng hàng không như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (HOSE: HVN), CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC),… vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021, tuy nhiên với tình hình chung hiện nay bức tranh quý III thậm chí còn ảm đạm hơn các quý trước đó do quy định giãn cách nghiêm ngặt, nguy cơ tiếp tục thua lỗ là rất lớn.

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 của Vietnam Airlines (HVN)ghi nhận đến cuối ngày 30/6, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 34.664 tỷ đồng, khoản phải trả quá hạn của Tổng công ty là 14.805 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 2.787 tỷ đồng.

Trong kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc, tổng công ty lỗ hợp nhất 8.622 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 724 tỷ đồng sau nửa đầu năm. Với 6 quý lỗ liên tiếp, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối quý 2 lên đến âm 17.808 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và âm vốn chủ sở hữu.

Để cứu vãn tình thế, bằng việc chào bán thành công 796,1 triệu cổ phiếu được phân phối cho 27.627 cổ đông từ ngày 5/8 đến 14/9, Vietnam Ailines bổ sung thành công gần 8.000 tỉ đồng tăng vốn và “thoát” âm vốn chủ sở hữu. 

Sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines tăng lên 22.143 tỉ đồng, tương đương gần 1 tỉ USD. Với kết quả đợt phát hành cổ phiếu này, Vietnam Airlines đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện tiếp tục niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE. 

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay và hoạt động trong ngành phụ trợ hàng không cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi hành khách sử dụng dịch vụ sụt giảm mạnh. Bức tranh chung vẫn là tình trạng kinh doanh dưới giá vốn và lỗ lũy kế ghi nhận từ những đợt dịch trước vẫn chưa thể khắc phục.

BCTC Quý 3/2021 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (UPCoM: ACV) cho thấy doanh thu thuần giảm tới 74%, xuống còn 370,5 tỷ đồng, trong khi giá vốn vẫn ở mức cao 1.374 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn, ACV thua lỗ gộp 1.000 tỷ đồng.

ACV cho biết, công ty là đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh trong khi vẫn phải có những chính sách hỗ trợ các hãng hàng không đã làm doanh thu Công ty giảm mạnh.

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính trong kỳ cũng giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do sụt giảm của lãi tiền gửi. Chi phí tài chính giảm 91,5% chỉ còn 24,3 tỷ đồng do giảm lỗ chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 54% do công ty trích lập quỹ dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các Hãng hàng không.

Trong kỳ, ACV cũng ghi nhận thêm khoản lỗ hơn 7,2 tỷ đồng từ các công ty liên doanh liên kết trong khi cùng kỳ lãi 37 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, ACV ghi nhận khoản lỗ ròng kỷ lục 855,4 tỷ đồng trong quý 3/2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu thuần 3,798 tỷ đồng và lãi ròng 501 tỷ đồng, tương ứng giảm 38% và 68% so cùng kỳ.

Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) cũng chỉ ghi nhận doanh thu đạt 17,34 tỷ đồng trong quý 3/2021, giảm 68,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế âm 43,53 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 31,7 tỷ đồng. 

Do kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận gộp âm hơn 3,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 27,2% còn 18,4 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 29% xuống gần 16 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Doanh thu tài chính của Taseco Air cũng giảm mạnh xuống còn 1,6 tỷ đồng trong quý 3/2021, trong khi cùng kỳ năm trước con số này hơn 4,2 tỷ đồng. Dù đã tiết giảm các chi phí không tiết giảm tương ứng đã khiến lợi nhuận sau thuế quý 3 tiếp tục âm 43,53 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu giảm 57,5% về 126,13 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 110,44 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 28,69 tỷ đồng. Như vậy, tính tới 30/9/2021, công ty nâng mức lỗ lũy kế lên tới 61,5 tỷ đồng so với đầu năm là dương 40,33 tỷ đồng. 

Bên cạnh lỗ trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính âm 71,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 59 tỷ đồng.

Tương tự với, Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (mã chứng khoán: NCS), việc kinh doanh dưới giá vốn khi chi phí này ghi nhận hơn 44 tỷ đồng đã khiến NCS lỗ gộp gần 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gộp hơn 15 tỷ đồng.

Quý 3/2021, công ty chỉ ghi nhận doanh thu đạt 27,2 tỷ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu cung cấp suất ăn trong quý đạt 21 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt hơn 1 tỷ đồng. Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí, NCS lỗ sau thuế hơn 25 tỷ đồng, tương đồng với khoản lỗ gần 26 tỷ đồng trong cùng kỳ – đây cũng là quý thứ 6 liên tiếp NCS kinh doanh thua lỗ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, NCS ghi nhận doanh thu gần 103 tỷ đồng, giảm 46%; lỗ sau thuế lên tới con số 69 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với số lỗ hơn 43 tỷ đồng gánh chịu trong 9 tháng đầu năm 2020. Lỗ lũy kế của NCS đến thời điểm ngày 30/9/2021 đã tăng lên 95 tỷ đồng.

Logistis hàng không bứt phá tăng trưởng

Điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh ngành hàng không chính là hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại các nhà ga hàng hóa hàng không của các doanh nghiệp logistics hàng không vẫn tăng trưởng tích cực do ít chịu tác động của dịch bệnh.

Theo đó, CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) kết thúc quý 3/2021 với doanh thu thuần hơn 187 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ. Việc doanh thu tăng trưởng cộng với sự giảm nhẹ về chi phí đã giúp NCT ghi nhận lãi ròng tăng 13% so với cùng kỳ, ở mức 62 tỷ đồng.

Đà tăng trưởng vẫn diễn ra mặc dù đại dịch Covid-19 kiềm tỏa việc làm ăn của các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là nhờ sản lượng hàng hóa từ nước ngoài đã bù đắp cho sự suy giảm trong nước và nhờ so với mức nền thấp trong quý 3/2020. Trong quý 3/2021 và 9 tháng đầu năm, NCT ghi nhận sản lượng khai thác hàng hóa tăng trưởng tương ứng 12.9% và 9.3% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng, NCT đạt doanh thu 534 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế 169 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh ngành hàng không gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh, NCT là một trong số ít các doanh nghiệp trong ngành có lãi, thậm chí lãi lớn. 

Tương tự với CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS), dịch Covid-19 dường như không thể cản bước tăng trưởng của của doanh nghiệp này. Quý 3/2021, SCS ghi nhận doanh thu thuần gần 172 tỷ đồng và lãi ròng hơn 121 tỷ đồng, tăng tương ứng 2.2% và 5.5% so với cùng kỳ. Trong kỳ, các khoản chi phí hầu như không thay đổi đáng kể. Đà tăng trưởng vẫn diễn ra mặc dù đại dịch Covid-19 khiến Tp.HCM – nơi hoạt động chính của SCS – bị phong tỏa.

Nguyên nhân là do doanh thu khai thác nhà ga tăng đáng kể từ 155 tỷ lên 161 tỷ đồng, doanh thu cho thuê sân đậu máy bay tăng mạnh dù chỉ đóng góp tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về 137 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng nhẹ so với quý 3/2020.

Ngoài ra, dù lệnh hạn chế đi lại đã làm giảm công suất vận chuyển của các chuyến bay hành khách, hạn chế đáng kể tổng công suất hàng hóa hàng không, song ngược lại, nhu cầu hàng hóa hàng không tương đối cao hơn, được minh chứng thông qua mức tăng mạnh của phí vận chuyển hàng hóa hàng không toàn cầu. 

Theo tiết lộ của SCS tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không còn được hưởng lợi khi chuỗi cung ứng đường biển bị rối loạn.

Theo Báo Thương trường