Ngành logistics đang đòi hỏi nguồn nhân lực lớn

Nhóm ngành vận chuyển phát triển là điều kiện nền tảng cho sản xuất kinh doanh, thương mại quốc tế được ổn định và mở rộng.

Ngành logistics hiện nay được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn. Đặc biệt, đặt trọng bối cảnh 2 năm đại dịch vừa qua, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng trong hoạt động cung ứng, chuỗi sản xuất sẽ bị ảnh hưởng gây thiệt hại kinh tế.

Trước nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, doanh nghiệp, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã mở ngành đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng để xây dựng nền tảng cho hoạt động vận chuyển sau này.

Theo đó, mục tiêu của chương trình đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu về logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Giúp sinh viên tham gia phân tích, dự báo, hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch, thiết kế, vận hành đánh giá hiệu quả và  cải tiến hoạt động dịch vụ logistics.

Nhằm mục đích định hướng tổ chức hoạt động đào tạo theo hướng ứng dụng và gắn với trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên. Bên cạnh đó, chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp tổ chức hoạt động đào tạo và gắn với trải nghiệm thực tiễn.

Chiều 26/3, tọa đàm về đào tạo nguồn nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng đã được trường đại học Công nghiệp Hà Nội và hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức.

Tại buổi thảo luận, đánh giá về cơ hội của thị trường đối với lĩnh vực này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh trong phần phát biểu của mình: “Ngành Logistics hiện nay có xu hướng phát triển nhanh. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay có khoảng 49 trường đại học đào tạo về logistics ở nhiều mức độ khác nhau.

Điều này phản ánh nhu cầu xã hội về mặt nguồn lực, nhu cầu của các doanh nghiệp đòi hỏi đáp ứng cả về mặt số lượng và chất lượng. Điều này tạo thuận lợi cho các cơ sở đào tạo phát triển ngành này”.

Nhà trường, doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo

Mặc dù nhu cầu lớn, nhưng chia sẻ tại tọa đàm nhiều đại diện doanh nghiệp vẫn băn khoăn trước chương trình đào tạo hiện nay có thực sự đáp ứng yêu cầu của công việc.

Để quá trình đào tạo thực sự đem lại chất lượng, TS.Nguyễn Văn Thiện, Hiệu Phó trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bày tỏ: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics đang được các trường đại học và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Để nhân lực logistics đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, có đủ trình độ chuyên môn, việc tăng cường hợp tác, kết nối giữa các trường đại học và doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết”.

Việc chuỗi sản xuất đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch, ông Thiện đánh giá rằng hoạt động đào tạo trong lĩnh vực logistics cần phải tăng cường kỹ năng, kiến thức thực tiễn nhiều hơn để có khả năng thích ứng với những biến động.

Sinh viên phải trang bị đầy đủ kỹ năng

Là một ngành nghề nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, tuy nhiên các em sinh viên cũng cần phải cần phải có những kiến thức đáp ứng yêu cầu của ngành nghề.

PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương, Phó Chủ tịch VALOMA đánh giá: “Trong hai năm đại dịch thấy được vai trò của ngành logistics vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế.

Khi ngành logistics phát triển chúng ta sẽ tích kiệm được chi phí, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường cạnh tranh quốc tranh quốc gia”.

Lĩnh vực logistics quốc tế và lĩnh vực ngoại thương của Việt Nam có mối liên hệ khăng khít. “Khi Việt Nam có ngành dịch vụ logistics tốt chúng ta sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực ngoại thương và đầu tư ra nước ngoài. Ngành dịch vụ vận chuyển phát triển thì chúng ta sẽ có cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế”, bà Hương bày tỏ.

Trong bối cảnh tiềm năng như vậy, để nguồn nhân lực của chúng ta đáp ứng được cần phải trang bị rất nhiều kỹ năng.

Chuyên gia cũng đưa ra một vài lời khuyên đối với các em sinh viên, khi cần phải xác định định hướng nghề nghiệp dài hạn, đam mê với công việc và có sự chuẩn bị từ trước, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương cho biết:

“Chúng tôi không muốn sinh viên mất thời gian vì điều đó sẽ kèm theo mất tiền bạc, các em sinh viên, khi đã xác định làm trong lĩnh vực thương mại quốc tế nên trang bị những kỹ năng như ngoại ngữ, quản trị sự thay đổi”.

Lo lắng trước việc ngành nghề này sau khi ra trường không còn trở thành xu hướng, bà Hương cũng thẳng thắng chia sẻ, điều này đặt nặng lên chương trình đào tạo của các trường đại học.

Các trường cần phải đảm bảo giảng dạy để sinh viên đạt chuẩn đầu ra. Nếu như các trường đáp ứng được yêu cầu, các em sẽ không phải lo lắng trước nhu cầu thị trường.

Theo đó, thực tế hiện nay bất kể chương trình đào tạo nào đều dựa trên xác định thị trường lao động, và được xác định bởi ba nhóm: chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng và chuẩn về thái độ.

Các em sinh viên khi ra trường có đầy đủ những tiêu chuẩn trên thì chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường lao động.

Theo Người Đưa Tin