Logistics hấp dẫn nhà đầu tư

Đầu năm 2022, nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics được cơ quan chức năng trao giấy phép đầu tư, các nhà đầu tư cùng các nhà thầu xây dựng liên tục khởi công… Với sự khởi động sôi nổi này, cơ hội để hàng hóa Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh, tiến sâu vào thị trường thế giới đang rất rộng mở.

Cuối tuần qua, Dự án SLP Park Xuyên Án tại lô HH, Khu công nghiệp Xuyên Á (tỉnh Long An) đã được SLP (nhà đầu tư phát triển và vận hành cơ sở công nghiệp và logistics tập trung ở Đông Nam Á) cùng các nhà thầu phát lệnh khởi công nhằm cung ứng cho thị trường các nhà kho hạng A từ một đến hai tầng sau khi hoàn thành. Dự án có tổng diện tích xây dựng hơn 61.000 m2, gồm 3 nhà xưởng, văn phòng, hạ tầng và các hạng mục phụ trợ.

Kể từ khi chính thức thâm nhập vào Việt Nam (tháng 10/2020) thông qua liên doanh với GLP (nhà đầu tư kinh doanh bất động sản lĩnh vực logistics), SLP đã có 6 dự án được cấp phép sử dụng đất tại nhiều địa điểm. Dự kiến, trong thời gian tới, nhà đầu tư này sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực kho vận tại Việt Nam.

Trước đó, cuối tháng 12/2021, Tập đoàn T&T Group và YCH (Singapore) đã khởi công Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có quy mô hơn 83 ha với tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng. Đây là “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, có chức năng tích hợp trung tâm phân phối và cảng cạn để cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu thị trường.

Cùng với việc khởi công các dự án, tháng 1/2022, 2 dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics có tổng vốn đầu tư 67 triệu USD đã được Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng trao giấy phép đăng ký đầu tư. Đó là, Dự án Trung tâm Logistics ECPVN Hải Phòng 1 của nhà đầu tư Emergent VN Logistics Development Pte. Ltd. (Singapore) tại Khu công nghiệp và dịch vụ hàng hải (DEEP C2B) với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD; Dự án JD Property Logistics Park Hai Phong 1 của nhà đầu tư JD Future Explore V Limited (Hồng Kông – Trung Quốc) tại Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Khu 1) với tổng vốn đầu tư 32 triệu USD.

Nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực logistics khác cũng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, Tỉnh đang lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Khu cảng cạn và dịch vụ logistics tại phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh và xã Đông Phong, huyện Yên Phong với tổng chi phí thực hiện dự kiến 4.225 tỷ đồng. Kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án cho thấy, có 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ là: Công ty CP Logistics LSH; Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest và Liên danh Hoàng Thành – Phúc Khanh.

Về sức hấp dẫn của lĩnh vực này, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phân tích, những năm gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu luôn tăng trưởng ở mức hai con số. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng logistics còn manh mún, thiếu rất nhiều, đặc biệt là hệ thống kho bãi, hạ tầng kết nối… Chi phí logistics của Việt Nam vẫn đang chiếm tới 20% GDP. Chính vì thế, logistics đang được xem là lĩnh vực đầu tư rất tiềm năng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics do nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh. Vì vậy, cả xuất nhập khẩu và logistics đang hội tụ các điều kiện thuận lợi để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Nắm bắt cơ hội thị trường, bên cạnh việc tích cực tham gia đầu tư các dự án cảng biển, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác Dự án Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ đáp ứng phương thức vận tải đường thủy nội địa với năng lực cao, giá rẻ, phù hợp xu hướng hiện nay là cắt giảm chi phí cũng như giảm phát thải ô nhiễm môi trường.

Với áp lực cạnh tranh gay gắt của thương mại quốc tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng logistics là điều kiện cần thiết để hàng hóa Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để lĩnh vực này hấp dẫn hơn nữa, bản thân các nhà đầu tư trong nước phải không ngừng nâng cao năng lực quản trị để có thể quản lý, vận hành hiệu quả các dự án.

Theo Báo Đấu thầu