Hà Nội đặt mục tiêu ngành dịch vụ logistics đóng góp 9-11% GRDP

Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hà Nội đạt 9-11%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 17-21%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60-65%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 14-17% GRDP thành phố.

Đây là những mục tiêu trong Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 24-12-2021 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025. 

Để hoàn thành mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics; phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của đất nước.

Đáng chú ý, trong phát triển hạ tầng dịch vụ logistics, thành phố phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, hoàn thành các thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng, đưa vào khai thác vận hành một số công trình hạ tầng dịch vụ logistics quan trọng, gồm: 2 trung tâm logistics (tại hai huyện Phú Xuyên và Sóc Sơn), 2 cảng cạn ICD (tại hai xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và Đức Thượng, huyện Hoài Đức), 1 cảng container quốc tế (tại hai xã Cổ Bi và Đặng Xá, huyện Gia Lâm), 1 trung tâm bưu chính/chuyển phát (tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) và một số dự án trung tâm tiếp vận trên địa bàn thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các trung tâm logistics có quy mô phù hợp trên các tuyến đường vành đai thành phố, kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng tại các khu vực tập trung sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp; chú trọng phát triển hệ thống kho bãi, kho bãi chuyên dụng.

Thành phố cũng sẽ phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi các hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận…); phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng. Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu tập trung của thành phố.

Ngoài ra, thành phố còn tạo điều kiện tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics nhỏ và vừa với các công ty, chuyên gia phần mềm công nghệ thông tin để được hướng dẫn, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ tiếp cận và đầu tư trang bị, nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý thông tin và chuyển giao dữ liệu, sản xuất và đặt hàng, giao hàng, khai báo hải quan, phần mềm dịch vụ logistics (RFID, barcode, e-logistics) theo các tiêu chuẩn quốc tế…

Theo Báo Hà Nội Mới