Gần 60.000 tỷ đồng cho giao thông, dịch vụ logistics Bến Tre

Bến Tre ban hành Đề án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics giai đoạn 2021 – 2025, 2026 – 2030.

Bến tre triển khai Đề án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics

Chiều 11/6, ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Đề án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics tại Bến Tre.

Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như: cải tạo, nâng cấp QL57, đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày; nâng cấp QL57B, đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng; đường từ cảng Giao Long đến Khu công nghiệp Phú Thuận; đường Bắc Nam phục vụ Khu công nghiệp Phú Thuận và cụm công nghiệp Phong Nẫm, cầu Ba Lai, đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú… Tổng kinh phí 28.469 tỷ đồng

Giai đoạn 2: 2026 – 2030, đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường bộ ven biển; tuyến cao tốc TP. HCM – Long An – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh; cầu Hàm Luông 2; cầu Đình Khao… Tổng kinh phí 29.915 tỷ đồng.

Xây dựng bến cảng, bến thủy, kho hàng… phục vụ logistics

Ngoài ra, đề án chú trọng phát triển hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics thông qua kêu gọi đầu tư khoảng 1.477 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng như: bến cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, kho hàng gần các khu công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung để giảm chi phí vận chuyển…

Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, để đạt được các mục tiêu trên, ngay thời điểm này, tỉnh Bến Tre tập trung triển khai các nhóm giải pháp về thể chế, vốn, đất đai, nguồn nhân lực… Đồng thời, tổ chức tuyên truyền phổ biến thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực logistics.

UBND tỉnh cũng ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút đầu tư theo các hình thức phù hợp, có tính đột phá để huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với một số dự án trọng điểm thuộc của đề án.

Theo Báo Giao thông