Cải thiện hiệu suất doanh nghiệp logistics Việt Nam

Bằng phương pháp phân tích bao dữ liệu Data Envelopment Analysis (DEA), bài viết đưa ra các nhận định về hiệu suất tương đối (relative efficiency) của một số doanh nghiệp logistics lớn tại Việt Nam.

Tuy chỉ có một nửa số doanh nghiệp được đánh giá đạt mức hoạt động hiệu quả nhưng đa số các doanh nghiệp đều có hiệu suất tăng, phản ánh tiềm năng phát triển to lớn của ngành trong tương lai, mặc dù những cải tiến đó vẫn còn chậm và thiếu bền vững.

Toàn cảnh ngành logistics Việt Nam

Ngành logistics ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển khó khăn nhưng đầy hứa hẹn. Vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, dân số trẻ với sức mua tăng và thị trường bán lẻ bùng nổ, ngành logistics tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ nhu cầu mua bán hàng hóa ngày càng tăng. Nhu cầu đối với dịch vụ vận chuyển quốc tế, vận tải nội địa và dịch vụ phân phối được tạo ra trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu và phụ tùng, tái xuất khẩu sản phẩm sau khi sản xuất và sau đó phân phối trong nước. Tương lai tươi sáng của nền kinh tế sản xuất và xuất khẩu Việt Nam mang đến tiềm năng tăng trưởng nhanh và cơ hội tốt cho ngành logistics.

Trong báo cáo Chỉ số hoạt động logistics 2018, Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 39 trong số 160 quốc gia trên thế giới và thứ ba trong ASEAN, tăng 35 bậc so với năm 2016. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém và chi phí logistics cao đang làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư, đặc biệt là khi thế giới đang hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các sáng kiến phát triển bền vững. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng cao về các dịch vụ logistics tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam.

Những vấn đề

Kết quả phân tích cho thấy ngành logistics Việt Nam đang bị mất an toàn cao. Điểm hiệu suất trung bình tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức dưới 1 trong suốt nhiều năm, phản ánh ngành logistics chưa tận dụng hết các nguồn lực. Sự biến động về hiệu suất chỉ ra rằng những nỗ lực của Chính phủ và các công ty trong việc cải thiện hiệu quả đã giúp cải thiện hiệu suất ở một mức độ nào đó, nhưng vẫn thiếu ổn định để thực sự nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Những vấn đề như những quy định cứng nhắc, nguồn lực phân bố không phù hợp và thiếu đổi mới kỹ thuật là những nguyên nhân làm tăng chi phí logistics và cản trở sự phát triển.

Biểu đồ bên dưới cho thấy hiệu suất trung bình hàng năm của các loại hình dịch vụ logistics đang được cung cấp tại Việt Nam. Không chỉ là lĩnh vực hiệu quả nhất, vận tải còn là lĩnh vực duy nhất đạt được mức hiệu quả về hiệu suất trung bình. Đối với lĩnh vực khai thác cảng, hầu hết các cảng lớn trong khu vực đã được đẩy mạnh để tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000DWT. Điều này có thể dẫn đến sự cải thiện đáng kể về điểm hiệu suất của các công ty khai thác cảng.

Tuy nhiên, vấn đề đến từ cơ sở hạ tầng giao thông xung quanh các cảng vẫn chưa phát triển và thiếu kết nối, gây ra tắc nghẽn và chậm trễ ở các cảng lớn trong khi các cảng nhỏ hơn lại rơi vào tình trạng ế ẩm. Quan trọng hơn, hiệu suất của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kho bãi đã giảm trong bảy năm liên tiếp. Điều này chỉ ra rằng việc nâng cao hiệu suất của các doanh nghiệp kho bãi có thể giúp tăng mức hiệu suất trung bình toàn ngành logistics.

Thực tế cho thấy, việc nhu cầu giao thương ngày càng tăng làm cho nhu cầu về dịch vụ cho thuê kho bãi cũng sẽ tăng theo. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường kho bãi do nhiều thiết bị hỗ trợ tiên tiến như robot hậu cần và công nghệ lưu trữ tự động sẽ ra mắt thị trường trong vài năm tới. Do đó, các doanh nghiệp nên tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng mới để nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.

Kết quả phân tích cũng cho thấy có sự cách biệt lớn giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước trên thị trường. Các doanh nghiệp nước ngoài có điểm hiệu suất trung bình cao hơn và duy trì trên mức hiệu quả trong vòng liên tiếp 7 năm. Đây là điều dễ hiểu vì các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn, công nghệ tiên tiến, nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ với các doanh nghiệp sản xuất lớn; nên việc họ chiếm thị phần lớn là điều dễ hiểu.

Trên thực tế, các doanh nghiệp logistics lớn của nước ngoài thường hoạt động như là nhà cung cấp dịch vụ đầu mối hoặc tích hợp các dịch vụ nên họ không bị giới hạn trong các loại hình dịch vụ cung cấp, khác với các công ty logistics trong nước có xu hướng chỉ tập trung cung cấp một dịch vụ logistics truyền thống. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cơ hội bán hàng và tăng trưởng doanh thu mà còn khiến toàn ngành trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của một lĩnh vực cụ thể trong ngành.

Hiệu suất trung bình hàng năm các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp địa phương

… Và cách cải thiện hiệu suất cho các doanh nghiệp logistics

Sự đa dạng trong các dịch vụ logistics có mối tương quan gián tiếp đến hiệu suất doanh nghiệp logistics, vì các doanh nghiệp logistics của nước ngoài, chủ yếu là nhà cung cấp tích hợp các dịch vụ, luôn cho thấy điểm hiệu suất cao hơn so với các công ty địa phương, chủ yếu chỉ cung cấp từng loại dịch vụ truyền thống riêng biệt.

Do đó, các chiến lược được đề xuất là đa dạng hóa các phân khúc thị trường, đặc biệt là những phân khúc thị trường có tiềm năng sinh lời cao (thương mại điện tử xuyên biên giới, dịch vụ 4PL với khả năng tư vấn,…), xem xét hoặc cải thiện kế hoạch cho thuê tài sản cố định để tăng dòng tiền, kiểm soát chi tiêu và chi phí bằng cách quản lý nguồn nhân lực tốt hơn và giảm bớt những chi tiêu không cần thiết trong hoạt động dịch vụ.

Sự thâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về kinh nghiệm và nguồn lực, thì các doanh nghiệp trong nước cũng có thể thu hút khách hàng với chi phí dịch vụ thấp hơn.

Mặc dù các đối thủ cạnh tranh nước ngoài trên thị trường là mối đe dọa không thể phủ nhận đối với sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, nhưng với chiến lược đầu tư hợp lý, đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước kêu gọi vốn từ các tập đoàn đa quốc gia, hợp tác và học hỏi từ họ để cải khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp địa phương, chẳng hạn như sáp nhập hoặc liên doanh có thể giúp tăng khả năng cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam bằng cách thúc đẩy sự tích hợp trong mạng lưới cung ứng. Vì mỗi doanh nghiệp đều có thế mạnh và lợi thế riêng, nên các công ty logistics có thể đạt được lợi ích chung đầy hứa hẹn nhờ chia sẻ nguồn lực, chuyển giao công nghệ, liên kết dịch vụ, trao đổi thông tin, mở rộng phạm vi địa lý,… Tuy nhiên, những liên minh như vậy đòi hỏi nỗ lực rất lớn của không chỉ các doanh nghiệp mà còn cả sự ủng hộ từ các chính sách của cơ quan chức năng.

Theo Tạp chí Vietnam Logistics Review – Cổng thông tin Logistics Việt Nam