Các tỉnh, thành phía Nam: Cung ứng hàng hóa và giá cả dần bình ổn

Sự vào cuộc nhanh chóng của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương trong thời gian qua đã góp phần kết nối các Sở, ngành, địa phương giải tỏa những vướng mắc trong cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, giúp thị trường dần ổn định.

Những ngày gần đây, lượng hàng hóa thiết yếu như rau củ, thịt, trứng về các siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh đang ổn định dần. Đơn cử như trứng thương hiệu Ba Huân được bán với giá 18.000 đồng/vỉ 6 trứng và 30.000 đồng/vỉ 10 trứng; rau các loại như bí đỏ 25.000 đồng/kg, rau ăn lá 25.000 – 35.000 đồng/kg tùy loại…

Đó là chưa kể một số doanh nghiệp như Viettel Post, Nhất Tín đang mở các điểm bán hàng ngay tại các bưu cục trên địa bàn còn một số siêu thị cũng tăng thêm điểm bán hàng lưu động ở một số quận, huyện.

Đặc biệt, từ tối ngày 26/7/2021, thành phố quy định người dân không được di chuyển trên đường từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau (trừ một số đối tượng được quy định cụ thể); phát phiếu đi mua hàng thiết yếu cho hộ gia đình.

Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, ngày 27/7, người đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi mua hàng (theo phiếu mua hàng thiết yếu) giảm so với ngày hôm trước, các siêu thị không phải phát phiếu hẹn giờ mua hàng, cũng không còn tình trạng nhiều người xếp hàng. Siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán bên ngoài không xảy ra thiếu hàng, hàng hóa dồi dào, đầy đủ các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, trứng.

Một điểm bán rau củ của Nhất Tín tại TP. Hồ Chí Minh

Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, các siêu thị (Coopmart, Lotte, Mega Market), Trung tâm thương mại Vincom, Bách Hóa Xanh hàng hóa dồi dào, đầy đủ, giá cả ổn định. Sức mua nhìn chung giảm so với những ngày trước. Không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng. Các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay sức mua tăng cao so với bình thường, lượng hàng hóa cung ứng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, giá cả không thay đổi. Tuy nhiên, các mặt hàng như thuốc giảm sốt, thuốc huyết áp trên địa bàn bị thiếu hụt do nguồn cung từ nhà sản xuất bị hạn chế.

Tại Tiền Giang, tình hình giá cả các loại thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả cũng bắt đầu hạ nhiệt hơn. Tỉnh này hiện có 139/181 chợ truyền thống và 71/83 cửa hàng tiện ích đang hoạt động, đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân. Tính đến thời điểm này chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Tại TP. Cần Thơ, các loại hàng hóa thiết yếu có tăng giá so với những ngày đầu tháng 7. Từ ngày 26/7, người dân không còn đổ xô đi mua các mặt hàng thiết yếu như những ngày trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Những ngày qua, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Nam để nắm bắt tình hình thị trường, kết nối cung cầu và điều tiết hàng hoá thiết yếu trong khu vực phục vụ người dân. Từ đó giúp việc cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có tín hiệu dần bình ổn.

Tỏ công tác đặc biệt làm việc với Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai ngày 26/7

Đơn cử như tại khu vực Đông Nam bộ, ngoài làm việc với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh vào ngày 21/7, trong 2 ngày 25 và 26/7, Tổ công tác đặc biệt đã làm việc với Sở Công Thương Đồng Nai, Sở Công Thương Bình Dương để nắm bắt tình hình về nhu cầu, nguồn cung hàng hóa thiết yếu, khó khăn trong khâu lưu thông, phân phối hàng thiết yếu.

Báo cáo với Tổ công tác, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh này có 3 chợ đầu mối chuyên cung cấp sỉ các mặt hàng nông sản, rau, củ quả… Ngoài chợ đầu mối, tỉnh có 11 trung tâm thương mại/siêu thị, 147 chợ truyền thống, 189 cửa hàng tiện tích và trên 65.000 cửa hàng tạp hóa đang hoạt động. Tại các trung tâm thương mại/siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, lượng hàng hoá tại các điểm bán đã tăng lên gấp 2 – 10 lần so với ngày thường.

Đồng Nai cũng là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi lớn nhất cả nước với tổng đàn heo khoảng 2.484 triệu con (trong đó, riêng Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP- Chi nhánh 2 tại Đồng Nai chiếm tỷ trọng 80% với chuỗi cung ứng rộng khắp tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh khác), tổng đàn gà khoảng 24.859 triệu con.

Với nguồn cung hàng hóa dồi dào, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã phối hợp Sở NN&PTNT các địa phương nhằm rà soát, tổng hợp nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu (đặc biệt là gạo, rau, củ, quả, thịt heo, trứng gà, …) cung cấp cho Trung tâm Xúc tiến thương mại thực hiện hỗ trợ kết nối đến các địa phương, đơn vị có nhu cầu.

Tổ công tác đặc biệt làm việc với lãnh đạo UBND và Sở Công Thương Bình Dương

Tại Bình Dương, theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh này, đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 19/304 cửa hàng tiện lợi và 60/99 chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch. Việc nhiều chợ dừng hoạt động đã gây ra một số khó khăn nhất định cho người dân trong việc mua sắm hàng hóa, có thời điểm xuất hiện tình trạng thiếu hụt cục bộ và tăng giá một số mặt hàng.

Trước tình hình đó, Sở Công Thương Bình Dương đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và 13 doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường triển khai nhiều giải pháp cung ứng hàng hoá kịp thời cho người dân, nhất là tại các khu cách ly, phong tỏa như: Tăng lượng cung ứng hàng hóa tại các hệ thống phân phối lên gấp 2-3 lần, triển khai thêm các điểm bán hàng cố định, bán hàng lưu động…

Đồng thời, hỗ trợ cung ứng suất ăn, thực phẩm cho hơn 300.000 công nhân của các doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ trên địa bàn tỉnh Bình Dương…

Cũng theo Sở Công Thương Bình Dương, hiện tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch mở lại một số chợ truyền thống bảo đảm yêu cầu phòng dịch Covid-19, ưu tiên xét nghiệm miễn phí cho tiểu thương.

Tại các buổi làm việc, Tổ công tác đặc biệt đánh giá cao sự chủ động của Sở Công Thương Đồng Nai và Bình Dương trong việc triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Trong đó, tỉnh Đồng Nai đã thành lập Tổ công tác liên Sở (Công Thương, Y tế, NN&PTNT) phối hợp với địa phương để cấp thẻ cho nông dân được ra ngoài thực hiện việc thu hoạch, cho thương lái được hoạt động mua bán hàng tại các địa điểm tập kết hàng hóa theo quy định; huy động các doanh nghiệp trong Chương trình bình ổn thị trường mở thêm các điểm bán hàng cố định, lưu động với giá bình ổn để tạm thời thay thế một số chợ truyền thống phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Còn tỉnh Bình Dương đã giải quyết nhanh cho xe chở hàng hóa thiết yếu bằng cách triển khai hậu kiểm, chỉ chụp lại biển số và hình ảnh lái xe.

Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng giải đáp trực tiếp một số vướng mắc của Sở Công Thương Đồng Nai theo các văn bản quy định của các Bộ ngành; đồng thời cho biết sẽ tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc trong việc vận chuyển, lưu thông phân phối hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp, địa phương để chuyển tới Tổ công tác đặc biệt của các Bộ để xử lý theo nhiệm vụ được phân công…

Theo Báo Công thương