AI thay đổi cách vận hành logistics như thế nào?

Những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp logistics và chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp đang nâng cao dịch vụ logistics của họ thông qua 5 biểu hiện của AI trong công nghệ.

Robot

Nhiều công ty đang ứng dụng Robotics trong quy trình quản lý chuỗi cung ứng, gồm các hoạt động như: giao hàng, lấy hàng, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển. Theo nghiên cứu của Statista, doanh thu từ robot logistics sẽ đạt hơn 6 tỷ USD trong năm 2021.

Sự khác biệt cơ bản với robot thông thường là robot được hỗ trợ bởi AI có thể thực hiện các công việc phức tạp hơn mà không cần sự can thiệp của con người. Do đó, robot trong lĩnh vực logistics có thể thúc đẩy sản xuất, đồng thời giúp con người quản lý các giai đoạn giao hàng dễ dàng hơn.

Nếu doanh nghiệp ứng dụng robot, xe tự hành, dữ liệu lớn, phân tích dự đoán, thị giác máy tính sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình vận hành. Ảnh: Analytics Insignt

Xe tự hành

Xe tự hành có tiềm năng cải thiện đáng kể hiệu quả giao hàng. Công nghệ này cải thiện độ tin cậy, hiệu quả chi phí và khả năng dự đoán. Mặc dù vẫn chưa có phương tiện giao hàng tự động hoàn toàn, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian. Khi công nghệ ngày càng phát triển, trong một tương lai không xa, người tiêu dùng sẽ nhận được những lô hàng mà không cần đến sự can thiệp của con người.

Theo nghiên cứu của Mckinsey, các phương tiện tự hành, đặc biệt là máy bay không người lái, sẽ cung cấp hơn 80% tất cả các gói hàng. Bằng cách khắc phục những trở ngại và bất tiện trong giao thông, công nghệ này sẽ nâng cao hiệu quả của quá trình phân phối.

Thị giác máy tính

Mọi hệ thống thị giác đều được tạo thành từ hai thành phần chính: Máy ảnh và “não bộ” máy tính. Dựa trên một thuật toán phức tạp, thị giác máy tính có thể phát hiện các đối tượng, hàng hóa, các hoạt động cụ thể, màu sắc và thực hiện các hành động.

Công nghệ này được sử dụng để xác định hư hỏng và tăng năng suất trong quá trình sản xuất. Hơn nữa, các hệ thống hỗ trợ thị giác máy tính có thể tự động phát hiện hư hỏng, xác định nguyên nhân gây ra thiệt hại, mức độ nghiêm trọng và thực hiện các bước ngăn ngừa rủi ro hàng hóa trong tương lai.

Việc xếp dỡ sản phẩm là một ứng dụng khác của thị giác máy tính. Công nghệ này không chỉ nhận dạng và định vị các mặt hàng trong cửa hàng mà còn hoạt động độc lập. Nếu sử dụng rộng rãi các hệ thống thị giác máy tính thông minh thì sẽ giảm bớt sự gián đoạn của khách hàng, cải thiện chất lượng chuỗi cung ứng và tính bảo mật của quy trình giao hàng.

Phân tích dự đoán

Bất kỳ công ty logistics nào cũng phải có khả năng hoạt động hiệu quả, giao hàng đúng hạn và tiết kiệm chi phí vận chuyển. Để thực hiện điều này, cần phải có một nghiên cứu chuyên sâu dựa trên dữ liệu lịch sử để phát hiện các xu hướng rủi ro, khắc phục và đưa ra các dự báo.

Theo khảo sát ngành logistics của MHI năm 2020, tỷ lệ các công ty logistics sử dụng phân tích dự đoán đã tăng từ 17% trong năm 2017 lên 30% vào năm 2019. Khả năng này không chỉ cải thiện khả năng hiển thị chuỗi cung ứng, tối ưu hóa các tuyến đường và quản lý vận chuyển dễ dàng hơn, mà còn xác định các trường hợp và nguy cơ bất ngờ.

Dữ liệu lớn

Logistics giống như mọi hoạt động kinh doanh khác, luôn tạo ra một khối lượng dữ liệu đáng kể. Nếu không có một hệ thống quản lý dữ liệu tốt, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc xử lý tất cả các tài liệu. Các công ty có thể tiết kiệm chi phí và tránh giao hàng trễ bằng cách thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn.

Theo kết quả của một nghiên cứu, hơn 91% trong số 1000 công ty của Fortune đang đầu tư vào dữ liệu lớn. Hơn nữa, phân tích dữ liệu dựa trên AI cho phép các doanh nghiệp tính toán các biến số như lịch bảo trì đội xe, cảm biến xe, thời tiết và chi phí nhiên liệu.

Bằng cách mang đến các phương pháp xử lý dữ liệu và cải tiến mới trên toàn bộ chuỗi cung ứng, AI đang thay đổi các quy trình logistics. Phân tích dự đoán, robot, thị giác máy tính, dữ liệu lớn và phương tiện tự hành là những ví dụ về công nghệ có thể cải thiện đáng kể hoạt động logistics và chuỗi cung ứng.

Chúng có khả năng thay đổi cách quản lý các mặt hàng trong kho, cũng như tối ưu hóa mạng lưới giao nhận và logistics chặng cuối. Các công ty logistics và chuỗi cung ứng có thể xem công nghệ này như một phương tiện nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Theo Báo điện tử VnExpress.net